Phương pháp giáo dục 
Đổi mới phương pháp dạy học tích cực lấy trẻ làm trung tâm dành cho lứa tuổi mầm non là rất quan trọng. Chúng đều hướng vào trẻ phát huy tính tích cực của trẻ trong các hoạt động kết quả  cuối cùng là trẻ đạt được kết quả mong đợi cuối độ tuổi và chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1. Ở lứa tuổi mầm non các cháu chóng nhớ nhưng lại hay quên nên việc cung cấp kiến thức cho trẻ không phải là vấn đề hàng đầu, kỹ năng và thái độ của trẻ khi tiếp cận với mỗi tình huống, câu chuyện đưa ra sự vật vật, hiện tượng diễn ra xung quanh trẻ mới là quan trọng. Bản chất việc học ở trẻ là thông qua sự bắt trước, khám phá, trải nghiệm, thực hành để trẻ hiểu về những sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh trẻ, đồng thời trẻ học cách biểu đạt những hiểu biết đó thông qua sự chia sẻ, trao đổi với bạn bè. Vì vậy, vai trò của giáo viên là khai thác các tình huống cũng như các vật liệu khác nhau để khuyến khích trẻ chơi, khuyến khích trẻ hoạt động cùng nhau.  Giáo viên cần giúp trẻ tận dụng tất cả các giác quan để khám phá sự vật, hiện tượng.
Nhằm dẫn dắt trẻ suy nghĩ và giúp trẻ nói lên được những gì chúng đang nhìn thấy, gợi ý cho trẻ chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình, cùng nhau trao đổi để tìm hiểu, khám phá đối tượng. Bên cạnh đó chúng tôi tạo cho trẻ môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với đồ dùng, đồ chơi và nguyên liệu khác nhau để kích thích trẻ cùng khám phá.
Giáo viên cần phải khai thác và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực lấy trẻ làm trùng tâm một cách khoa học.
Đối với phương pháp dạy học khám phá: Trường chúng tôi đã lựa chọn nội dung vấn đề hoặc tình huống đảm bảo tính vừa sức đối với trẻ, chuẩn bị đồ chơi, đồ dùng trực quan và những điều kiện cần thiết để trẻ tự tìm tòi khám phá, tổ chức cho trẻ làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm, khuyến khích trẻ tự tìm tòi khám phá, đưa ra các phát hiện, cách giải quyết có thể, liệt kê các cách giải quyết có thể, phân tích, đánh giá kết quả mỗi cách giải quyết của cá nhân trẻ, của nhóm trẻ, lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất, kết luận về nội dung của vấn đề cơ sở cho trẻ tự kiểm tra, tự điều chỉnh kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.
Đối với phương pháp đóng vai: Việc diễn không phải là phần chính của phương pháp mà điều quan trọng là phải giúp trẻ tham gia thảo luận sâu sau phần tham gia vào vai diễn ấy.  Để sử dụng phương pháp trò chơi đạt hiệu quả chúng tôi chọn những trò chơi dễ tổ chức và thực hiện, trò chơi phải phù hợp với đặc điểm và trình độ của trẻ, phù hợp với thời gian, hoàn cảnh, điều kiện thực, trẻ nắm được quy tắc và phải tôn trọng luật chơi, cách chơi. Trò chơi phải tạo được sự hứng thú và vui thích của trẻ.
Đối với phương pháp dạy học trải nghiệm: Cần cho trẻ quan sát, suy nghĩ, cảm nhận, hành động. Để học hiệu quả, trẻ cần phải tiếp nhận thông tin, suy ngẫm xem nó sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ như thế nào, so sánh mức độ phù hợp của với những trải nghiệm của trẻ. Việc học tập đòi hỏi không chỉ có nhìn, nghe, chuyển động hay động chạm. Trẻ cần biết kết hợp những gì trẻ cảm giác và suy nghĩ được với những gì trẻ cảm nhận và ứng xử.  Phương pháp động não: Cần phải hướng dẫn trẻ cách trả lời những câu hỏi ngắn, có khi chỉ cần một từ. Tất cả ý kiến của trẻ đều cần được khích lệ nhận. Đặc biệt, không phê phán các câu trả lời của trẻ và luôn khen gợi trẻ đúng lúc. Cuối giờ thảo luận cần nhấn mạnh kết quả có được là thành quả của cả nhóm hoặc của tất cả các thành viên trong nhóm.
Với các phương pháp trên trường chúng tôi đã và đang áp dụng. Chúng tôi thấy trẻ phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của trẻ. Cuối năm trường chúng tôi đã đạt được kết quả cao trong năm học. Tất cả các phương pháp mà chúng tôi đã đưa ra chỉ muốn tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, được phát triển các kỹ năng vận dụng những hiểu biết của trẻ vào thực tiễn. Đồng thời giúp trẻ hòa nhập, thích ứng với cuộc sống. Phát triển những phẩm chất cá nhân như tính kiên trì, lòng nhẫn nại, ý thức tập thể.