Vì sợ con nôn ọe khi ăn các thức ăn lợn cợn, không ít mẹ đã dùng máy xay sinh tố khi cho con ăn dặm mà không biết tác hại của thao tác nhanh gọn nhẹ này.

Cho con tập ăn dặm: mẹ đừng khó quá làm liều

Thông thường, các bé sẽ được bú mẹ hoàn toàn từ lúc sơ sinh cho đến khi 6 tháng tuổi. Qua đến tháng tứ 6, cơ thể bé sẽ có đòi hỏi cao về nhu cầu năng lượng, nhu cầu sắt, nhu cầu vitamin A. Lúc này, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, do đó các bé sẽ được cho ăn bổ sung.

Chuyện ăn dặm chưa bao giờ là dễ dàng cho cả mẹ cả con. Giai đoạn đầu tập cho con ăn dặm, con sẽ bất hợp tác, phun, ngậm chặt miệng hoặc khóc; còn mẹ thì nhức đầu với thực đơn ăn dặm của con trong ngày. Mẹ phải đắn đo cho con ăn dặm như thế nào là hợp lý, món nào ngon, nấu như thế nào để món cháo của con đủ chất.

Một số mẹ khó quá làm liều. Để con dễ ăn và không mất nhiều thời gian đút thức ăn, một số mẹ thường nghiền nhuyễn thức ăn dặm của trẻ. Thậm chí, sau khi xay bằng máy xay sinh tố, có mẹ còn lọc lại bằng rây cho mịn rồi đổ vào bình sữa cho con bú. Những cách này công nhận là nhanh gọn nhẹ, con có thể tăng cân nhanh, ăn gọn gàng… nhưng tác hại cũng vô cùng lớn.



Trẻ biếng ăn, thậm chí bị loét thực quản, loét dạ dày vì ăn cháo xay

Có 5 tác hại của việc xay nhuyễn cháo cho con ăn dặm mà mẹ cần phải biết để lưu ý khi con bước vào giai đoạn này:

- Bé mất phản xạ nhai: Xay nhuyễn khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, các bé sẽ chẳng biết phản xạ nhai thức ăn nữa.

- Bé lười ăn: Khi bé bỏ qua phản xạ nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần bé sẽ lười ăn.

- Bé bị loét dạ dày: Khi ăn cháo xay thương xuyên, bé sẽ có phản xạ nôn trớ khi được ăn cháo hột hoặc có lợn cợn. Nôn trớ nhiều sẽ khiến bé loét thực quản, loét dạ dày. Chưa kể nếu bé bị trào ngược nhưng chỉ trào lưng chừng rồi rơi vào phổi gây ho kéo dài như bị bệnh hen suyễn.

- Bé mất cơ hội thưởng thức món ngon: Xay nhuyễn thức ăn khiến bé không có cơ hội làm quen với các thực phẩm mới. Thức ăn của bé từ ngày này qua ngày khác sẽ chỉ có một kiểu mịn sệt với mùi vị gần giống nhau. Như vậy, mẹ đã vô tình làm mất đi tính đa dạng và giàu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, khiến trẻ mau chán và trở nên biếng ăn.

- Bé bị ảnh hưởng cơ hàm: Nếu cháo xay được cho vào bình để bé ăn như tói quen bú bình, bé vô tình đã bị tước đoạt cơ hội làm quen với việc nhai, nuốt cũng như hạn chế sự phát triển và hoàn thiện của cơ hàm; gây ảnh hưởng đến kỹ năng nói khi bé lớn.

Ăn dặm như thế nào cho khoa học?

Khi trẻ 6 tháng tuổi thì mẹ nên tập cho con ăn dặm bắt đầu bằng bột loãng rồi sệt dần. Khi bé 7 – 8 tháng tuổi, mẹ cho bé ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc. Được 12 tháng thì bé nên được tập ăn cháo hột và các thức ăn mềm như phở, bún… Khi con 2 tuổi và mọc đủ răng hàm thì mẹ nên cho con ăn cơm.

Mẹ đừng nản lòng mỗi khi bé bất hợp tác khi mẹ thay đổi món hay bé được chuyển sang chế độ ăn mới. Những bữa đầu mới tập ăn, không thể tránh khỏi cảnh bé nôn ói nhưng sau đó con sẽ quen dần. Đừng vì sợ con nôn ói mà không dám cho trẻ ăn thức ăn lợn cợn, mẹ nhé!

Nếu các mẹ cho con ăn dặm khoa học, bé sẽ phát triển đúng chuẩn và tránh khỏi trường hợp khi bé đến tuổi đi học mà không thể hòa nhập khi ăn những món ăn ở trường.

Dạy con khó lắm phải đâu chuyện đùa

Có mẹ nói “dạy con khó lắm phải đâu chuyện đùa”. Vì dạy con không phải là cho con ngồi vào ghế và nói "con không được làm điều đó, con phải làm điều kia".

Chuyện về cách dạy con ngoan tưởng chừng như rất dễ, có mẹ còn chắc như đinh đóng cột rằng việc dạy con dễ như ăn một cái bánh, như mặc một cái áo, nhưng đôi khi việc dạy dỗ con cũng khiến bạn cười ra nước mắt với các tình huống dở khóc dở cười đấy!





Cách dạy con ngoan không phải là cho con ngồi vào ghế với các câu nói như "con không được làm điều đó, con phải làm điều kia". Vì thực tế trẻ con đã học, đã tiếp thu vào đầu những thứ nhìn thấy và tiếp xúc hằng ngày, và chính người lớn trong gia đình là người mà trẻ lấy làm gương trước tiên.


Chị Hà Vy ở Bình Dương chia sẻ: Một hôm khi đưa hai con đi dạo, ngang một đoạn đường vắng chỉ toàn cây với cây, chị đang nhai kẹo cao su và kiếm một thùng rác để bỏ nhưng chị chạy một đoạn khá dài mà không thấy. Chị liền cho xe vào lề đường có bụi rậm và vứt kẹo cao su vào rồi thong thả đi tiếp. Con trai lớn của chị liền lên tiếng:
"Mẹ, mẹ ơi! Mẹ không biết bỏ rác hả mẹ?", chị hoàn toàn bất ngờ nên không trả lời. Ngay lúc đó con trai chị nói tiếp: "Mẹ phải bỏ rác vào thùng rác chứ, chưa tìm ra thì mẹ chờ một chút, con thấy thùng rác con sẽ chỉ cho mẹ. Mẹ bỏ vậy mấy cây xanh chết hết thì sao?". Lần này chị lại hoàn toàn bất ngờ với suy nghĩ thật đúng đắn và chững chạc như người lớn của con, chị liền trả lời: "Ừ, mẹ xin lỗi con, mẹ biết rồi, mẹ sẽ không bao giờ làm vậy nữa".


Chị Vy bảo thường ngày chị thường dạy hai con bỏ rác vào thùng, thu xếp đồ chơi cho ngăn nắp, sạch sẽ và hôm nay chị thấy thật xấu hổ.





Còn trường hợp anh Minh Nhựt ở Thủ Đức chia sẻ thì anh phải dở khóc dở cười với tình huống anh vừa gặp phải. Một hôm đi làm về, anh thấy vợ đang cho đứa con trai nhỏ bú mà nhóc cứ e e, anh vào nựng con và buột miệng anh nói: "Con trai cưng của ba bú ngoan nha, không lo bú thì ba bú mất đó nha". Cô con gái 3 tuổi đang ngồi chơi gần đó liền lên tiếng: "Ba một dzú, em một dzú chứ sao lại giành?". Lúc này vợ chồng anh chỉ biết nhìn nhau im lặng mà không nói lời nào, từ đó anh không dám vô ý nói giỡn trước mặt con gái nữa.


Chị Hảo nhà ở Gò Vấp thì chia sẻ câu chuyện hoàn toàn khác, chị cho rằng cứ không phải ba mẹ, người lớn trong gia đình làm gương là đủ, mà trẻ còn tiếp xúc với nhiều thứ xung quanh nữa, và nhiều khi chị bất lực không biết dạy con như thế nào cho đúng. Chị kể có lần đưa con đi lễ hội chơi trò chơi, người quản trò bảo sau khi đếm 1,2,3 bạn nào giơ tay lên trước sẽ được mời lên tham gia trò chơi, thế mà các phụ huynh cứ đẩy con mình lên sân khấu, kết quả là bạn nào giơ tay thì cứ mặc, bạn nào nhào lên sân khấu trước thì được quản trò mời chơi. Con trai chị liền hỏi: "Mẹ ơi, sao con giơ tay nhanh mà con không được mời?". Rồi tiếp anh chàng MC bảo là sau bài hát cuối cùng sẽ mời các em tham gia phá cỗ trung thu. Thế mà mặc cho các bạn đứng hát, mấy em nhỏ cứ nhào lên làm rối cả sân khấu, MC cũng không làm gì được, phụ huynh thì coi đó là niềm vui, con lấy được gì thì xem như chiến công tranh giành được. Lúc đó con trai chị nói: "Sao mấy bạn đó kì vậy mẹ? Sao không chờ bạn kia hát xong, các bạn lấy hết bánh rồi, sao con lấy được gì cho em con nữa?", chị Hảo chỉ đành biết thở dài…





Chị Thủy ở Bình Thạnh thấy buồn với cách dạy con của nhiều mẹ, chị kể có lần dẫn con vào siêu thị, cho con chơi ở khu trò chơi trẻ con. Con gái chị chơi xong cất đồ chơi lại chỗ cũ, thì có phụ huynh bảo chị: "Cất làm gì, có mấy đứa phục vụ nó lo". Rồi khi con chị xếp hàng chơi cầu tuột, có bé chen chân lên tuột trước, thế là mẹ của đứa trẻ vỗ tay khen ngợi "hay lắm con", làm con gái chị ngẩn ngơ cả buổi hôm đó.

Chị Thủy cho rằng không lẽ chỉ cần con mình có được những gì nó thích thì phụ huynh đều vui hay sao? Chị cho rằng với cách dạy như vậy trẻ sẽ hình thành tính ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mà không biết chia sẻ với người khác.

Bởi thế các bậc cha mẹ trước hết nên làm gương cho con cái và có những hành vi, lời nói chuẩn mực, không những khi giao tiếp trong nhà mà cả khi ra ngoài, để trẻ được dạy dỗ một cách đồng nhất, không có bất kì mâu thuẫn nào giữa lời nói và hành vi. Nếu không trẻ sẽ hiểu theo cách của chúng, rằng có thể nói khác với làm, ở nhà khác với nơi công cộng, dần dần hình thành tính cách không tốt ở trẻ.





Và dạy con ngoan không chỉ là trách nhiệm của người mẹ, mà còn là nghĩa vụ của cha, đừng để phụ nữ một mình gánh vác việc này! Để sau này các anh không phải thốt lên "con hư tại mẹ"! Chúc ba mẹ nuôi dạy con thật tốt, bé thật ngoan và vui khỏe nhé!

Thói quen xấu bố mẹ cần sửa ngay cho con

Thật ra cách giải quyết không quá phức tạp như nhiều người nghĩ đâu, chỉ cần chú ý và kiên nhẫn một chút thì cả ba mẹ và bé sẽ không phải chịu cảnh "sống chung với lũ" như thế này nữa. Một số gợi ý dưới đây có thể mang đến thêm sự lựa chọn giúp con tạm biệt thói tè dầm này.



Đâu là nguyên nhân gây tè dầm ở bé

Trước khi đi tìm lời giải cho việc giúp bé hết tè dầm thì chúng ta cần biết được lý do gây ra vấn đề này. Di truyền chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Có đến 77% các bé tè dầm có cả ba và mẹ đều như thế lúc nhỏ và 44% bé có ba hoặc mẹ bị tật này lúc nhỏ. Việc khi còn nhỏ ba mẹ hết tè dầm vào bao nhiêu tuổi cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian bé hết "ướt giường" sau này.

Những cách giúp bé tạm biệt thói quen tè dầm
Đầu tiên, ba mẹ hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa và trình bày về vấn đề này. Các bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên cũng như những loại thuốc cơ bản cho thói quen này ở bé hoặc sẽ giới thiệu ba mẹ đến với các bác sĩ chuyên khoa đường tiết niệu.
Đừng la mắng hay trách phạt khi trẻ tè dầm. Thay vào đó, ba mẹ nên cư xử mang tính vui vẻ và tích cực như cho bé biết mỗi đêm bé tè dầm thì sẽ bị đánh dấu một ngôi sao dán trên tường.
Hãy chắc rằng bé uống đủ nước vào ban ngày. Nếu không trẻ sẽ uống "bù" vào buổi tối. Như thế trẻ càng dễ tè dầm hơn.
Hạn chế trẻ uống nhiều nước sau bữa tối trong vòng 2 tiếng hoặc hơn trước khi đi ngủ.
Tránh các thức ăn, đồ uống gây kích ứng đến bàng quang như nước ép trái cây, thức uống chứa caffein hay có ga. Thậm chí nên hạn chế những thứ này từ lúc ăn trưa trở đi.
Nhắc nhở bé phải đi vệ sinh trước khi đi ngủ. Với những bé hay tè dầm, đây là thói quen sinh hoạt cần có vào mỗi đêm giống như đánh răng vậy. Ba mẹ cũng nên nói bé "tè 2 lần", nghĩa là hãy khoan vội ra khỏi nhà vệ sinh mà hãy cố tè thêm chút nữa sau lần đầu để đảm bảo rằng bé đã đi tiểu hết. Có rất nhiều bé do vội vội vàng vàng mà tè không hết, do đó vẫn sẽ tiếp tục "ướt giường" vào nửa đêm.
Cần đảm bảo bé không bị táo bón. Khi bé không đi tiêu thường xuyên sẽ tạo áp lực lên bàng quang, từ đó cũng khiến bé mắc phải thói tè dầm.
Một số bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc để không còn tè dầm nữa. Ba mẹ nên nói chuyện kĩ với bác sĩ và cần hiểu rằng thuốc chỉ có tác dụng đến bàng quang giúp ngăn việc sản xuất nước tiểu khiến bé không đi vệ sinh trong đêm thôi.
Sử dụng đồng hồ báo tè dầm. Cách này có hiệu quả lên đến 70-80%. Báo động này được kẹp trên các bộ đồ ngủ và một sợi dây được gắn vào đồ lót của trẻ. Khi cảm biến trong quần của bé nhận thấy có nước tiểu thì sẽ rung lên và đánh thức bé dậy. Khi đó bé cần đi vệ sinh liền, sau đó lại tiếp tục đặt lại báo hiệu. Mục đích là để giúp não bộ của bé nhận thức được cần đi tiểu trước khi đi ra giường. Ba mẹ có thể tự mua thiết bị này mà không cần đến ý kiến bác sĩ về độ an toàn.

Rất may là phần lớn trẻ đều sẽ hết thói quen này khi lớn lên. Thật ra tè dầm chỉ mang lại một chút phiền phức cho bé hơn là biểu hiện không tốt nào đó của sức khỏe, vậy nên ba mẹ đừng thấy nản khi cố gắng giúp bé tạm biệt vấn đề này. Hãy tạo cho bé tâm lý thoải mái, không ngại ngùng khi đi khám bác sĩ. Đây chính là khởi đầu cần có trong việc giúp bé sớm hết được thói quen nho nhỏ này.