Nên dạy trẻ biết tự tin vào bản thân ngay từ sớm, bởi việc thành lập một thói quen tốt, một đức tính tốt luôn luôn cần thiết.

Dạy trẻ ngay từ sớm không phải đợi lúc trẻ được vài tuổi, mà các bậc cha mẹ nên dạy con tự tin vào bản thân từ những tháng đầu tiên chào đời.



"Sao con tôi chậm biết đi thế?, "sao con tôi chậm biết nói thế?" đó là câu hỏi mà nhiều mẹ thốt lên khi con đến tuổi tập đi, tập nói. Nhiều người hẳn nghĩ việc bé đi, bé nói là việc tự nhiên của một đứa trẻ, không cần quá chú trọng. Tuy nhiên nếu trẻ được khích lệ, học được cách tự tin vào bản thân mình thì sẽ phần nào hình thành tính cách sau này của trẻ.

1. Khuyến khích bé khám phá thế giới xung quanh

Có ai đã từng nói "biết sai và sửa sai" và trẻ nhỏ cũng vậy. Khi bé vào giai đoạn khám phá những thứ xung quanh, nhiều ba mẹ lo ngại việc sắp xếp lại các vật dụng trong gia đình, phần vì không có thời gian, phần vì sợ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nội thất ngôi nhà, nên hầu như cấm tiệt bé sờ vào mọi thứ, có thể hiểu nôm na như bị "cấm cung" vậy.

Hoặc ba mẹ sợ bé vô tình đụng vào nhiều đồ đạc gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng nên hạn chế tối đa các hoạt động của bé. Nhiều gia đình không có thời gian chăm bé, sợ bé đụng phá đồ đạc nên thậm chí suốt ngày nhốt bé trong cũi trông thật đáng thương. Bạn có nghĩ một đứa trẻ không được khám phá thế giới xung quanh một cách thoải mái, những năm tháng đầu tiên chỉ quanh quẩn trong cũi, lớn lên liệu có năng động, hoạt bát?

Ba mẹ nên tạo một không gian riêng, đủ rộng rãi và thoải mái cho bé chơi đùa, cho bé vài món đồ chơi hoặc thậm chí để bé tự khám phá chính ngôi nhà bé đang ở, miễn sao đảm bảo an toàn cho bé như dán các ổ điện, không để các vật dụng nguy hiểm trong tầm tay bé,….



2. Đừng quá gò bó bé

Có mẹ than rằng do không có thời gian chăm bé, nên cả ngày bé phải ở với ông bà. Ông bà lại cưng cháu, sợ làm đau cháu nên hầu như cứ ôm bé khư khư trên tay, bé không được hoạt động nhiều trong ngày, nên trông bé lừ đừ hơn hẳn các bé cùng lứa khác. Đến giai đoạn tập đi cũng vậy, sợ bé té nên ông bà không dám tập đi cho bé nên đến 15 tháng rồi bé vẫn chưa biết đi, trong khi trẻ nhà hàng xóm đã biết chạy ào ào. Hôm nào vô tình mẹ cho bé đi bị té là thể nào cũng bị ông bà la mắng.

Nếu không va chạm thì không thể nào trưởng thành, điều này luôn luôn đúng không những cho người trưởng thành mà cho cả trẻ nhỏ. Nên để bé tập đi trong không gian thoải mái, với sự cổ vũ của người lớn, sẽ là niềm khích lệ rất lớn cho bé mạnh dạn bước đi. Nếu những lần đầu tiên bé té thì ba mẹ nên để bé tự đứng lên và bước đi tiếp, rồi bé sẽ tự tin bước những bước tiếp theo và ngày càng đi xa hơn.



3. Biết khen ngợi mỗi khi bé làm được một trò mới

Trẻ con từ 6 tháng đến 18 tháng là giai đoạn học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Giai đoạn này bé sẽ làm những trò mà nhiều khi ba mẹ không ngờ tới, và nhiều người còn cho rằng đây là giai đoạn dễ thương nhất của một đứa trẻ.

Ba mẹ nên dành nhiều thời cùng bé trò chuyện, chơi đùa, cùng bé khám phá những cái mới. Mỗi khi bé làm được một trò mới hãy vỗ tay khen ngợi bé, hoặc hôn bé để khuyến khích bé làm trong sự thích thú.



Đối với một trẻ nhỏ thì việc làm tốt ngay một việc rất khó, bé cần phải có thời gian và chính bạn phải kiên nhẫn với bé và không quên động viên bé làm mỗi ngày.

4. Ba mẹ không tỏ ra hốt hoảng hay quát mắng mỗi khi bé làm chưa đúng

Nếu ba mẹ tỏ ra quá hốt hoảng hay quát mắng mỗi khi bé làm chưa đúng ý, chỉ cần bạn thể hiện trên gương mặt là một cái nhăn mặt thôi cũng đủ làm bé nhận ra, và bé sẽ không tự tin thực hiện những đều mới lạ nữa.

Bạn sẽ giúp bé phân biệt những việc làm đúng sai một cách nhẹ nhàng. Ví dụ ngay khi bé tập nói, bạn gọi "Con ơi" và bé "dạ" thì bạn hãy vỗ tay và ôm hôn bé, và chắc chắn lần sau khi bạn gọi, bé lại sẽ cất lên tiếng "dạ" thật đáng yêu! Khi bé làm chưa đúng hãy lắc đầu và kiên nhẫn hướng dẫn lại cho bé, rồi bé sẽ làm được như bạn mong muốn.



5. Dành nhiều thời gian cho bé

Một đứa trẻ dành được nhiều sự quan tâm từ ba mẹ luôn có một tinh thần lạc quan hơn và tự tin vào bản thân hơn. Ba mẹ nên dành thời gian rảnh chơi đùa cùng con, chở bé ra ngoài chơi, đơn giản như đưa bé đi ăn sáng cùng, đi siêu thị, nhà sách và đến những nơi đông người. Ngoài việc cho bé sớm tiếp xúc với môi trường bên ngoài để trở nên mạnh dạn hơn, còn giúp bé hiểu được ba mẹ luôn thương yêu bé, bé sẽ vui vẻ hơn và có cuộc sống hạnh phúc. Một đứa trẻ hạnh phúc thì luôn luôn tự tin vào bản thân.

Muốn con ngủ xuyên đêm, hãy làm theo cách sau

Bạn có thể nghĩ rằng bạn nên để cho con ngủ thoải mái khi con mới chào đời, nói chung là ăn ngủ theo nhu cầu của bé. Nhưng mẹ có biết nếu huấn luyện trẻ em ăn/ngủ theo một thời gian biểu cụ thể sẽ giúp con ăn/ngủ khoa học hơn và giúp cho cuộc sống của cả gia đình cũng dễ dàng hơn. Nếu bạn bắt tay vào việc rèn con ngủ từ 6 tuần trở đi, thì đến khi bé sáu tháng, chắc chắn bé sẽ có thể ngủ xuyên đêm.

Muốn con ngủ qua đêm, hãy huấn luyện trẻ sớm. Cụ thể là bạn có thể luyện tập thói quen ngủ của con bắt đầu từ 6-8 tuần tuổi.



Giấc ngủ đêm – cần ngủ sâu

Trẻ ngủ vào ban đêm sẽ có sự phát triển trí não và thể chất rất tốt, tốt hơn so với việc bé ngủ ngày. Do đó, mẹ nên tập để bé có thể ngủ lâu, ngủ sâu hơn vào ban đêm. Nếu ban ngày bé ngủ quá nhiều, mẹ đừng ngại mà hãy đánh thức bé dậy nếu bé ngủ quá lâu.

Giúp bé xác định sự khác biệt giữa ngày và đêm

Trẻ sơ sinh không thể phân biệt được ngày và đêm, bởi bé đã quen với lịch trình trong bụng mẹ: hầu hết thời gian của bé là để ngủ. Để bé có thể ngủ giấc ngắn vào ban ngày và ngủ giấc sâu vào ban đêm thì mẹ cần dạy cho con nhận ra sự khác biệt giữa hai giai đoạn: đêm và ngày. Bằng cách nào ư? Hãy làm cho ngày của bé đầy ánh sáng và âm thanh thú vị, ngay cả khi trẻ ngủ. Khi đêm xuống, hãy cố gắng ngăn chặn không để bất kỳ tiếng ồn hay ánh sáng nào làm phiền bé. Khi màn đêm buông xuống, bạn nên giữ cho ngôi nhà của mình yên tĩnh, kéo rèm lại, tắt tivi để bé cảm thấy sự khác biệt.

Thói quen trước khi đi ngủ

Đây là một "tín hiệu" cho bé thấy bé cần phải đi ngủ.

Mẹ hãy bắt đầu bằng cách tắm nước nóng và cho con chơi với một quả bóng một cách nhẹ nhàng để bé bình tĩnh lại và chuẩn bị cho giấc ngủ đêm.

Mẹ hãy mặc cho con bộ đồ ngủ mềm mại và ấm cùng rồi đặt bé vào trong phòng ngủ có ánh sáng mờ, không âm thanh ồn ào.

Mẹ hãy đọc một câu chuyện hoặc hát với một giọng nói mềm mại nhẹ nhàng trước khi đặt con vào giường cũi cùng món đồ chơi con yêu thích. Đồ chơi dễ thương này sẽ có mùi hương của bé, giúp bé cảm thấy an tâm và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Mẹ hãy tắt đèn, hoặc mở đèn ngủ có ánh sáng mờ để bé cảm thấy an toàn.

Mẹ đừng quên để hôn con trước khi đi ngủ.

Nếu trẻ khóc thì sao?

Một số người tin rằng bé khóc là tốt, khóc là một hành vi hết sức bình thường của bé. Khi khóc, bé sẽ nhận biết chính mình: con thấy sợ, con muốn mẹ, con đói hay con không muốn một mình… Nhưng muốn huấn luyện con ngủ ngoan, mẹ phải nỗ lực rất lớn để không bị tiếng khóc của con chi phối.

Bạn có thể bị cám dỗ bởi tiếng khóc của con mình, như vậy, công cuộc huấn luyện sẽ không cho kết quả tốt. Do đó nếu em bé bắt đầu khóc khi bạn nhẹ nhàng rời khỏi phòng, bạn không nên bế bé lên ngay mà hãy rời đi, sau đó phải quay trở lại một lần nữa vỗ về bé khoảng 5-10 phút, sau đó tiếp tục tạm biệt con và bước ra ngoài. Hãy lặp lại điều này cho đến khi em bé ngủ

Mỗi người mẹ và mỗi đứa trẻ có một cách khác nhau để cảm thấy hài lòng về việc ăn ngủ. Đừng căng thẳng nếu nỗ lực của bạn trong việc rèn con ngủ xuyên đêm không hiệu quả. Có rất nhiều người mẹ phải đối mặt với niềm thương con, rồi sự quở trách của người lớn trong nhà khi áp dụng cách rèn con ngủ này. Một số mẹ đầu hàng sớm, chấp nhận ăn ngủ theo lịch tự nhiên của con. Một số mẹ thành công sau khi mẹ và con cùng khóc sưng cả mắt. Bất cứ lựa chọn nào cũng phải đánh đổi, nên đừng bao giờ chỉ trích khi người mẹ này bắt con ngủ riêng, người mẹ kia cho con ngủ cùng; hoặc em bé này vì sao ngủ ngoan xuyên đêm, em bé kia cứ lục đục cả đêm và rất khó ngủ…

Hãy cố gắng kiên nhẫn và cố gắng nhiều cách khác nhau để rèn con ngủ phù hợp với con mình.

Mẹ đã làm gì để tôi luôn có cảm giác gần gũi như bạn thân?

Tôi luôn thấy may mắn khi có một người bạn thân đặc biệt là mẹ tôi. Nhờ tình cảm mẹ con mà tôi không bao giờ thấy cô đơn vì lúc nào cũng có mẹ đồng hành.

1. Mẹ luôn trò chuyện, lắng nghe tôi




Mẹ luôn là người đầu tiên nhận ra tâm trạng tôi có điều không ổn, khi đó mẹ sẽ nhẹ nhàng ở riêng cạnh tôi và hỏi thăm. Với mẹ, tôi có thể nói hết những điều đang trăn trở trong lòng mà không cần ngại ngùng gì, từ chuyện tình cảm đến chuyện tuổi mới lớn. Lúc nào mẹ cũng cởi mở, coi trọng và thật sự lắng nghe tôi. Đôi lúc mẹ sẽ đưa ra lời khuyên nhưng có khi mẹ chỉ gợi ý và để tôi tự mình quyết định. Chính sự thoải mái từ mẹ đã tao cho tôi sự tin tưởng và an tâm hơn trước những băn khoăn của mình ngày ấy.

2. Chấp nhận và đặt mình vào thế giới của tôi




Có một lần tôi đã tự động cắt tóc ngắn theo "mốt" mà không hề hỏi ý kiến của mẹ. Khi biết được điều này, mẹ không hề trách tôi mà chỉ hỏi tại sao lại làm như thế. Khi biết tôi bắt chước thần tượng điện ảnh của mình thì mẹ không nói gì thêm, chỉ khuyên dù gì thì vẫn phải chú ý đến tác phong đi học và sinh hoạt gia đình thôi. Và từ đó, không chỉ có thần tượng ấy mà mẹ còn biết thêm về sở thích âm nhạc, thời gian và nhiều thứ khác của tôi. Mẹ cũng ủng hộ cả mơ ước nghề nghiệp sau này tôi thích. Dường như hầu hết mọi thứ trong thế giới của tôi mẹ đều biết ít nhiều, thậm chí có lúc mẹ còn bàn luận về những bài "hit" mà tôi hay nghe nữa.


3. Không so sánh





Rất ít khi trong cuộc nói chuyện giữa 2 mẹ con mà tôi nghe thấy cụm từ "con nhà người ta". Mẹ là người giúp tôi nhận ra những thiếu sót của mình, nhưng không phải vì thế mà mẹ đặt tôi cạnh những đứa trẻ khác khiến tôi thấy xấu hổ, tự ti. Vì vậy tôi không cảm thấy chạm tự ái hay muốn hạn chế tiếp xúc với mẹ. Mẹ cũng không chỉ bảo tôi bằng lối suy nghĩ thời trước khi mẹ còn trẻ mà luôn hướng về lối sống hiện tại của tôi để có cái nhìn và quyết định phù hợp hơn. Chính sự đồng hành này mà tôi luôn thấy mẹ là người hiểu mình nhất và không thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.


4. Tham gia các hoạt động cùng tôi




Dù bận rộn gì đi nữa thì mẹ luôn dành vài ngày cuối tuần và cùng tôi đi chợ, mua sắm hay nấu nướng cho cả nhà. Đến giờ tôi vẫn thấy gia đình mình thật may mắn khi còn giữ được bữa cơm tối chung hằng ngày – điều mà nhiều gia đình ngày nay đã đánh mất. Mẹ con tôi cũng có những chuyến đi chơi "trốn ba" như làm đẹp, shopping,… Chính từ những hành động tưởng như đơn giản ấy nhưng thật ra đã giúp duy trì sự gần gũi tình cảm 2 mẹ con rất nhiều.


5. Truyền cho tôi những giá trị cốt lõi





Mẹ hiểu tôi, chấp nhận con người thật sự của tôi nhưng đồng thời vẫn rèn luyện và chỉ bảo tôi những giá trị truyền thống tốt đẹp cùng các nguyên tắc sống. Mẹ không quá xen vào cuộc sống riêng của tôi nhưng cũng quản lý đủ để tôi không phải muốn làm gì cũng được. Vì vậy tôi không có cảm giác gò bó, tù túng, vừa đáp ứng được yêu cầu gia đình vừa cũng có được cuộc sống tự do cá nhân.

Mẹ chính là người bạn gia đình gần gũi nhất của tôi, nhờ có mẹ mà mối quan hệ gia đình nói chung và giữa tôi cùng ba mẹ nói riêng ít khi nào xảy ra mâu thuẫn lớn. Đây chính là hạnh phúc quý giá mà tôi luôn trân trọng.